Trẻ tăng động

Trẻ tăng động giảm chú ý – Trọn điều cha mẹ cần quan tâm

Rối loạn tăng động giảm chú ý là một trong những rối loạn phát triển ở trẻ nhỏ và ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, vẫn có nhiều phụ huynh mới chỉ biết đến tên gọi mà chưa hiểu hết về tình trạng này. Vì vậy, bài viết dưới đây sẽ giúp cha mẹ hiểu hơn về trẻ tăng động giảm chú ý và hướng khắc phục hiệu quả.

Những điều cha mẹ cần biết về trẻ tăng động giảm chú ý

Những điều cha mẹ cần biết về trẻ tăng động giảm chú ý

Bạn đang xem: Trẻ tăng động giảm chú ý – Trọn điều cha mẹ cần quan tâm

Rối loạn tăng động giảm chú ý là gì?

Khái niệm

Rối loạn tăng động giảm chú ý (Attention deficit hyperactivity disorder, viết tắt: ADHD) là một rối loạn thần kinh ảnh hưởng đến khả năng tập trung, lập kế hoạch và thực hiện các nhiệm vụ. Trẻ tăng động giảm chú ý gặp phải khó khăn trong việc kiểm soát hành vi của mình.

Rối loạn tăng động giảm chú ý thường xuất hiện trước 12 tuổi. Các triệu chứng có thể nhẹ, trung bình hoặc nặng và chúng có thể tiếp tục ở tuổi trưởng thành.

Phân loại

Trẻ tăng động giảm chú ý có thể chia thành 3 loại sau đây:·    

  • Loại hiếu động, bốc đồng: trẻ thể hiện cả hành vi hiếu động và bốc đồng nhưng hầu như trẻ vẫn có khả năng tập trung, chú ý.
  • Loại thiếu chú ý: những trẻ này không quá hiếu động và thường không gây ra những hành động quá mức, do đó, các triệu chứng của trẻ có thể không được chú ý và phát hiện sớm.
  • Loại kết hợp: trẻ mắc loại ADHD này kết hợp các triệu chứng của hai loại ở trên. Đây là dạng tăng động giảm chú ý phổ biến nhất.

Dấu hiệu trẻ tăng động giảm chú ý

Dưới đây là một số biểu hiện điển hình của trẻ tăng động giảm chú ý:

Tăng động, bốc đồng

Dấu hiệu rõ nhất của rối loạn tăng động giảm chú ý là sự hiếu động thái quá ở trẻ. Dường như việc ngồi yên ở trẻ rất khó khăn. Hơn nữa, trẻ rất khó kiểm soát bản thân. Cụ thể:

  • Trẻ không thể ngồi yên quá lâu, luôn di chuyển hoặc loay hoay, vặn vẹo làm gì đó
  • Gặp khó khăn khi chơi, thực hiện một hoạt động cần sự yên tĩnh hoặc thư giãn
  • Làm mà không nghĩ, vội vàng, hấp tấp
  • Nói quá nhiều
  • Thường ngắt lời người khác, nói không đúng trọng tâm
  • Không thể kiềm chế những cảm xúc mạnh mẽ dẫn đến dễ nổi nóng, tức giận
  • Khó hòa đồng với người khác, khó kết bạn
Trẻ tăng động giảm chú ý có dấu hiệu tăng động, bốc đồng

Trẻ tăng động giảm chú ý có dấu hiệu tăng động, bốc đồng

Giảm chú ý và sự tập trung

Trẻ tăng động giảm chú ý thường có biểu hiện:

  • Gặp khó khăn trong việc tập trung, dễ bị phân tâm, lơ đãng và cảm thấy nhàm chán với một nhiệm vụ
  • Trẻ hay bỏ dở việc giữa chừng
  • Không thích những công việc đòi hỏi nỗ lực tập trung tinh thần như làm bài tập về nhà, nghe giảng,…
  • Kết quả học tập không ổn định do thiếu tập trung mặc dù có thể trẻ tăng động giảm chú ý không hề kém thông minh so với các bạn
  • Thường quên hoặc làm mất các đồ dùng học tập hoặc bỏ lỡ nhiệm vụ được giao
  • Ngay cả khi nói chuyện với người khác, trẻ cũng khó có thể tập trung vào cuộc hội thoại

Nguyên nhân trẻ tăng động giảm chú ý

Đến nay, nguyên nhân chính xác của chứng rối loạn tăng động giảm chú ý vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên vẫn có một số yếu tố liên quan đến tình trạng này.

Bất thường về cấu trúc não bộ

Trẻ tăng động giảm chú ý có thể do kích thước của một số khu vực vỏ não trước trán, tiểu não, vùng nhân đuôi khác biệt so với bình thường.

Ngoài ra, chấn thương não do một cú đánh nghiêm trọng vào đầu, u não, đột quỵ hoặc bệnh não có thể gây ra vấn đề mất chú ý, điều hòa vận động và xung động kém. Theo nghiên cứu, trẻ em bị chấn thương não có thể có các triệu chứng tương tự như rối loạn tăng động giảm chú ý. Nhưng vì chỉ một phần nhỏ trẻ tăng động giảm chú ý bị chấn thương sọ não nên đây không được coi là một yếu tố nguy cơ chính.

Do thiếu hụt chất dẫn truyền thần kinh

Các  nghiên cứu chỉ ra, các chất hóa học trong não – chất dẫn truyền thần kinh, không hoạt động bình thường ở trẻ tăng động giảm chú ý.

Tiếp xúc với chất độc hại

Các chất độc hại cũng có thể là yếu tố gây ra tình trạng rối loạn tăng động giảm chú ý. Nghiên cứu cho thấy trẻ mắc ADHD có lượng chì trong máu cao hơn những trẻ khác. Chì có thể gây độc cho các mô não đang phát triển và có thể ảnh hưởng lâu dài đến hành vi của trẻ nếu tiếp xúc sớm với những chất này.

Ngoài ra, còn một số chất độc hại khác như thuốc trừ sâu, chất phụ gia thực phẩm,… cũng có thể tác động đến chứng tăng động giảm chú ý ở trẻ.

Nguyên nhân trẻ tăng động giảm chú ý

Nguyên nhân trẻ tăng động giảm chú ý

Di truyền

Rối loạn tăng động giảm chú ý có thể do di truyền. Theo các nghiên cứu, nếu cha mẹ bị mắc chứng này thì 50% con cái cũng sẽ mắc phải. Nếu trong gia đình, anh chị lớn hơn bị tăng động giảm chú ý thì tỷ lệ mắc phải ở trẻ là trên 30%.

Hiện nay, các nhà khoa học vẫn đang tìm cách xác định chính xác các gen gây ra rối loạn tăng động giảm chú ý. Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học tại Đại học Cardiff, xứ Wales đã phát hiện ra rằng trẻ mắc chứng ADHD có nhiều khả năng bị thiếu hoặc nhân đôi các đoạn AND.

Vấn đề ở thai kỳ

Trẻ sinh non, sinh nhẹ cân hoặc mẹ mang thai khó có nguy cơ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý hơn bình thường. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, phụ nữ mang thai hút thuốc hoặc uống rượu có thể có nguy cơ sinh con bị ADHD cao hơn. Những đứa trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá có nguy cơ mắc tăng động giảm chú ý cao gấp 2,4 lần so với những trẻ không tiếp xúc.

Hậu quả của rối loạn tăng động giảm chú ý

Rối loạn tăng động giảm chú ý có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của trẻ.

  • Kết quả học tập giảm sút: Trẻ tăng động giảm chú ý tuy không ảnh hưởng đến trí thông minh nhưng lại thiếu sự tập trung, dễ xao nhãng. Điều này dẫn đến sự thụt lùi trong học tập. Có khoảng 20% trẻ tăng động giảm chú ý gặp phải các vấn đề về đọc và 60% gặp phải các vấn đề về viết.
  • Trẻ có xu hướng gặp nhiều tai nạn và thương tích hơn bình thường do quá hiếu động hoặc có những hành động bồng bột.
  • Trẻ dễ bị thay đổi tính cách, trở nên hung hăng, bồng bột, suy nghĩ tiêu cực về bản thân, các mối quan hệ xung quanh,… Điều này làm cho các mối quan hệ xã hội của trẻ tồi tệ hơn và những trẻ này cũng có nguy cơ cao thực hiện các hành vi côn đồ, phạm pháp.
  • Trẻ tăng động giảm chú ý có nhiều nguy cơ lạm dụng rượu, ma túy hoặc các chất kích thích khác
Hậu quả của rối loạn tăng động giảm chú ý

Hậu quả của rối loạn tăng động giảm chú ý

Trẻ tăng động giảm chú ý có thể có nhiều khả năng mắc các vấn đề khác như:

  • Rối loạn lo âu: Có thể gây ra lo lắng và căng thẳng quá mức, bao gồm cả rối loạn ám ảnh cưỡng chế
  • Rối loạn phổ tự kỷ: Đây là tình trạng liên quan đến sự phát triển của não ảnh hưởng đến sự nhận thức và giao tiếp xã hội
  • Rối loạn Tic hoặc hội chứng Tourette: Các rối loạn này liên quan đến những hoạt động hoặc âm thanh lặp đi lặp lại và khó kiểm soát
  • Rối loạn thách thức chống đối: Thường được định nghĩa là một dạng hành vi tiêu cực, thách thức và có thái độ thù địch với những người có thẩm quyền như cha mẹ, giáo viên.

???????????? Xem nhiều hơn: Tăng động giảm chú ý có chữa được không?

Làm thế nào để biết một đứa trẻ có bị rối loạn tăng động giảm chú ý hay không?

Khi nhận thấy trẻ có các biểu hiện hiếu động, nghịch ngợm quá mức, cha mẹ không thể khẳng định ngay trẻ bị tăng động giảm chú ý. Trước khi có thể chẩn đoán chính xác tình trạng này, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa để được kiểm tra và loại trừ các khả năng sau:

  • Trẻ bị khuyết tật trong học tập hoặc các vấn đề về đọc, viết, kỹ năng vận động hoặc ngôn ngữ
  • Trẻ có bị tác động bởi các trải nghiệm đau buồn như bị bắt nạt, bố mẹ ly hôn hay không
  • Rối loạn tâm lý bao gồm lo lắng, trầm cảm hoặc rối loạn lưỡng cực
  • Các rối loạn hành vi
  • Tình trạng y tế như các vấn đề về tuyến giáp, động kinh, rối loạn giấc ngủ

Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể chẩn đoán thông qua một số hoạt động sau:

  • Thu thập thông tin từ nhiều nguồn, hỏi bệnh sử, thông tin về sức khỏe, bệnh tật cá nhân và gia đình, tình hình học tập,…
  •  Quan sát hành vi của trẻ và cách bé phản ứng lại các tình huống cụ thể
  • Xét nghiệm máu và chẩn đoán hình ảnh để loại trừ các nguyên nhân khác
  • Phỏng vấn, đặt câu hỏi cho cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình, giáo viên, người chăm sóc trẻ trong việc đánh giá hành vi của trẻ cũng như thời điểm trẻ bắt đầu có những biểu hiện đó.
Chẩn đoán trẻ tăng động giảm chú ý

Chẩn đoán trẻ tăng động giảm chú ý

Cha mẹ cần làm gì để giúp trẻ tăng động giảm chú ý

Trẻ tăng động giảm chú ý gặp phải rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt và học tập hàng ngày. Do đó, cha mẹ đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp bé cải thiện và cũng chính là những người có thể giúp trẻ đi đúng hướng, xác định rõ mục tiêu của mình.

Trò chuyện với trẻ thường xuyên

Cha mẹ có thể giúp trẻ tăng động giảm chú ý cải thiện hành vi bằng cách dành thời gian cho trẻ mỗi ngày. Việc trò chuyện với bé không chỉ giúp gắn kết tình cảm gia đình mà còn là cơ hội để trẻ thể hiện suy nghĩ, mong muốn của bản thân và rèn luyện kỹ năng tư duy, xử lý tình huống, sự kiên nhẫn,… Bên cạnh đó, cha mẹ nên giữ thái độ tích cực khi trò chuyện với trẻ, bình tĩnh lắng nghe và thấu hiểu những điều con nói.

Tạo động lực cho trẻ

Bất kỳ đứa trẻ nào cũng có sở thích và ước mơ của riêng mình, kể cả trẻ tăng động giảm chú ý cũng vậy. Cha mẹ nên chú ý và quan sát những mối quan tâm và hứng thú của trẻ xem con có sở thích gì, muốn làm điều gì và tập trung vào việc gì nhất. Từ đó, bạn hãy động viên và hỗ trợ trẻ, tạo điều kiện cho trẻ thực hiện sở thích và ước mơ của mình.

Chẳng hạn, bé có niềm đam mê hội họa, bạn nên cho bé tham gia các lớp mỹ thuật hoặc con có năng khiếu âm nhạc, cha mẹ cũng có thể bồi dưỡng năng khiếu này của bé.

Luôn tạo động lực cho trẻ

Luôn tạo động lực cho trẻ

Hạn chế phiền nhiễu giúp bé tập trung

Trẻ tăng động giảm chú ý rất khó tập trung, dễ bị phân tâm, xao nhãng. Do đó, cha mẹ cần tạo cho con khoảng không gian yên tĩnh, tránh phiền nhiễu, ồn ào làm ảnh hưởng đến sự tập trung của trẻ.

Cách này phần nào sẽ giúp bé tăng sự tập trung vào học tập hoặc làm một việc gì đó. Ngoài ra, bạn cũng nên hạn chế thời gian trẻ sử dụng các thiết bị điện tử vì chúng có thể khuyến khích các hành vi bốc đồng ở trẻ.

Chia nhiệm vụ thành nhiều phần nhỏ

Việc chia nhiệm vụ thành các phần nhỏ sẽ giúp trẻ dễ dàng thực hiện hơn so với việc phải thực hiện một nhiệm vụ phức tạp. Bởi trẻ rất khó để tập trung và hoàn thành một việc gì đó. Vì vậy, nhiệm vụ được chia nhỏ sẽ đơn giản hơn và trẻ sẽ thấy bớt choáng ngợp, đỡ chán nản hơn.

Chia nhiệm vụ thành các phần nhỏ

Chia nhiệm vụ thành các phần nhỏ

Lập thời gian biểu giúp bé

Lập thời gian biểu là một trong những giải pháp được các chuyên gia tâm lý đánh giá cao khi cải thiện hành vi cho trẻ tăng động giảm chú ý. Lập thời gian biểu không chỉ giúp trẻ khắc phục được tình trạng hỗn loạn, thiếu tổ chức, quên mất những nhiệm vụ phải làm mà còn giúp bé thấy an tâm hơn. Cha mẹ cần ghi rõ các mốc thời gian cụ thể cho từng hoạt động và lưu ý để thời gian biểu ở vị trí trẻ dễ quan sát.

Khuyến khích trẻ vận động

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, hoạt động thể chất giúp đốt cháy năng lượng dư thừa theo những cách lành mạnh. Điều này cũng giúp trẻ tập trung sự chú ý vào các chuyển động cụ thể và có thể làm giảm sự bốc đồng.

Lợi ích của  vận động thể chất là vô tận: nó cải thiện sự tập trung, giảm trầm cảm và lo lắng, thúc đẩy sự phát triển trí não. Cha mẹ nên tìm một môn thể thao mà trẻ thích và phù hợp với sở trường của bé như bóng rổ, khúc côn cầu,…

Trẻ tăng động giảm chú ý cũng có thể luyện tập võ thuật (chẳng hạn như taekwondo) hoặc yoga, những bộ môn này giúp tăng cường khả năng kiểm soát tinh thần của trẻ.

Điều chỉnh giấc ngủ của bé

Giúp trẻ mắc chứng ADHD ngủ ngon là điều vô cùng quan trọng bởi thiếu ngủ sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng mất tập trung, hiếu động và bốc đồng. Để giúp trẻ ngủ ngon, cha mẹ cần cắt giảm thời lượng xem tivi của bé, tránh những chất kích thích như cà phê, sử dụng những âm thanh tự nhiên hoặc dịu nhẹ như một bản nhạc, đôi khi bạn cũng có thể dùng tiếng ồn trắng để giúp trẻ ngủ ngon hơn.

Điều chỉnh giấc ngủ cho bé

Điều chỉnh giấc ngủ cho bé

Đặt ra những quy tắc và mục tiêu rõ ràng

Cha mẹ nên giải thích mục tiêu và quy tắc của một nhiệm vụ khi giao cho trẻ. Điều này sẽ giúp bé hiểu hơn và cảm thấy tầm quan trọng của việc đạt đến mục tiêu đó cũng như vai trò quan trọng của mình trong đó.

Động viên, khích lệ trẻ

Khi trẻ hoàn thành nhiệm vụ hoặc làm được một việc tốt, đừng quên khen ngợi, khích lệ trẻ. Mặc dù nhiệm vụ này có thể rất đơn giản với những đứa trẻ bình thường, nhưng với bé bị tăng động giảm chú ý, đây là sự nỗ lực và cố gắng rất lớn. Một nụ cười, nhận xét tích cực hoặc phần thưởng nhỏ từ cha mẹ có thể cải thiện sự chú ý, sự tập trung và khả năng kiểm soát hành vi của trẻ.

Nếu có phần thưởng cho bé, cha mẹ nên thay đổi phần thưởng thường xuyên vì trẻ ADHD dễ cảm thấy buồn chán nếu phần thưởng luôn giống nhau. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên lập ra bảng thành tích và thưởng sao nếu bé làm tốt, điều này sẽ khích lệ trẻ thực hiện những nhiệm vụ tiếp theo.

Chế độ dinh dưỡng thích hợp

Để kiểm soát các triệu chứng của rối loạn tăng động giảm chú ý, hãy chuẩn bị kế hoạch và chế độ ăn lành mạnh cho trẻ. Những trẻ này có thể quên cả bữa ăn nếu không có sự hướng dẫn của cha mẹ, thậm chí không ăn trong nhiều giờ chỉ vì say sưa với một thứ gì đó. Nếu không được kiểm soát, sức khỏe của bé có thể bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, cần hạn chế, cắt giảm đồ ăn vặt và đồ ăn có đường.

Dạy con cách kết bạn

Trẻ tăng động giảm chú ý thường gặp khó khăn trong việc giao tiếp và tạo mối quan hệ với mọi người xung quanh. Do đó, cha mẹ có thể giúp con trở thành người biết lắng nghe hơn và biết tương tác với người khác qua một số cách:

  • Nói chuyện nhẹ nhàng, thẳng thắn và chân thành với con về những khó khăn của trẻ.
  • Thường xuyên trao đổi và đóng vai các tình huống khác nhau.
  • Ban đầu, nên cho bé chơi với các bạn có kỹ năng ngôn ngữ và thể chất tương tự, quan sát tương tác của trẻ với các bạn, không khoan nhượng đối với việc la mắng hoặc đánh bạn.
  • Dành thời gian và không gian cho bé chơi và thường xuyên khen thưởng với những hành vi tốt.
Dạy con cách kết bạn

Dạy con cách kết bạn

Làm thế nào để phòng ngừa rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ?

Để giúp làm giảm nguy cơ rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ, bạn cần lưu ý:

  • Trong thời kỳ mang thai, tránh bất cứ yếu tố gì có thể gây hại cho sự phát triển của thai nhi như rượu, thuốc lá hoặc các chất kích thích khác.
  • Bảo vệ con tránh tiếp xúc với các chất ô nhiễm và độc tố như khói thuốc lá, sơn có chì,…
  • Giới hạn thời gian sử dụng các thiết bị: Mặc dù chưa được chứng minh, nhưng cần tránh để trẻ tiếp xúc quá nhiều với tivi, trò chơi điện tử trong những năm đầu đời.

Bài viết trên đây là một số thông tin hữu ích về tình trạng trẻ tăng động giảm chú ý. Hy vọng cha mẹ sẽ có thêm những kiến thức về tình trạng này để giúp trẻ tăng động giảm chú ý sớm hòa nhập với cuộc sống xung quanh và phát triển tốt.

Xem thêm: Khóa đào tạo giáo viên dạy trẻ tự kỷ

Đăng bởi: Monica.vn

Chuyên mục: Trẻ tăng động

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button

Bạn đang dùng trình chặn quảng cáo!

Bạn đang dùng trình chặn quảng cáo!